Trang

Thứ Ba, 25 tháng 9, 2012

Có một chiếc xích đu ở đâu đó trong cuộc đời

Nguyễn Phong Việt

Người ngồi đó và ao ước trong từng ấy tháng năm
thấy một người ngồi trên chiếc xích đu và đọc sách
chỉ như thế đã là hạnh phúc...

Chỉ như thế ngôi nhà mới có thể nhìn thấy nắng
chỉ như thế những ly tách mới có niềm vui chạm vào môi một người đang khát
chỉ như thế cánh cửa mới tin mình còn cần thiết
để chờ một bàn tay đến mở ra...

Chiếc xích đu được làm cạnh một giàn hoa
chiếc xích đu được làm dưới một tán cây ven hồ nhiều bóng mát
chiếc xích đu được làm bên một mái hiên nhà nhiều mưa và nắng
chiếc xích đu được làm trong tim một người không còn chổ để yêu thương một ai khác
ngoài một con người...

Có những niềm vui giản dị như sự tự nhiên của cuộc đời
tự tay mình đưa xích đu cho người mình yêu thương trong chiều muộn
nhưng điều cỏn con với người này nhiều khi là cả một đời mong muốn
của một người tưởng chừng như không bao giờ biết rơi nước mắt
cho đến khi bắt gặp một tình yêu...

Đôi lúc sống một cuộc đời chỉ để chờ đợi một khoảnh khắc mà không hề biết trước là khổ đau
như chờ đợi một người đến ngồi trên chiếc xích đu ấy
như chờ đợi một cái nắm tay của đoạn đường sau cuối
như chờ đợi một nụ hôn mà nếu cần phải đánh đổi
bất cứ điều gì cũng cam tâm!

Người xây nên một ngôi nhà với những viên gạch lấy từ trái tim
những mùa trăng đi qua mà không dám ngủ
những đêm mưa không dám cựa mình vì sợ hơi ấm kia từ bỏ
những lúc cô đơn không dám khóc thành tiếng vì sợ chạm tay vào nỗi nhớ
những ngày dài thật dài...

Thà biết trước mình sẽ sống vì một người nào đó ngày mai
người có khi không phải thấy hối tiếc
người có khi làm cả triệu cái xích đu rồi đặt trên khắp các nẻo đường mà không cần biết
người mình yêu thương có chịu ngồi xuống hay không?

Ở đâu đó trong cuộc đời vẫn luôn có một chiếc xích đu treo trong lặng im
chờ một người đến ngồi và đọc sách...



Tặng kèm các bạn của tôi radio này. Chúc vui !



Sống phải có niềm tin

Tôi sẽ cảm ơn cuộc đời
---
Một cô gái nói với tôi rằng “ em ước được bình yên”
Ồ vậy em nghĩ sao nếu một ngày cuộc sống quanh em không có gì biến động, không có gì khiến em bật lên cảm xúc dù là khóc hay cười ?
Cũng nhiều người nói rằng “ tôi muốn được bình yên lắm”
Vậy bạn có biết bình yên vốn tự trong tâm mà ra không ? Thay vì chờ đợi, vì để nó chỉ là một mong ước bạn hãy tự tạo ra nó đi.
Biết bao người than thở rằng “mình cô đơn”.
Vì đâu ? Vì bạn khác người ta nên bạn thấy mình lạc lõng ư ? Sao bạn không nghĩ rằng mình là một người đặc biệt giữa muôn người ?

“ Tình yêu của tôi giờ ở phương nào hay phải chăng nó vốn là thứ xa xỉ nên tôi không với được”
Bạn có nghĩ vậy không ? Vậy thì đừng ngồi đó u sầu nữa, đứng dậy đi, khởi động một cuộc sống đầy tự tin và nhiệt huyết, sẽ có người yêu bạn vì nhìn bạn họ thấy mình có thêm sức mạnh đấy.
Bạn ngồi buồn ủ rũ, thấy cơ thể như không còn sức lực, đến thở thôi cũng là điều khó khăn. Sao bạn không tự vực mình dậy, cười một tràng cao ngạo, ngẩng mặt thách thức cuộc đời, bạn sẽ thấy mình mạnh mẽ biết bao.
Bạn lạnh ư ? Thay vì đợi một cái nhìn ân cần, cái nắm tay ấm áp, thay vì thèm muốn, ghen tị với người khác vì họ có người thân bên cạnh sao bạn không tự sưởi ấm bàn tay, hâm nóng tâm hồn bằng một tách café nghi ngút khói ?
Bạn thấy chán ngán cuộc đời này ư ? Thử lắng nghe nhịp tim của nó đi, nó đáng yêu lắm chứ. Và bướng bỉnh nữa.
Bạn tự kỉ à, bạn đang đau đớn ? Thay vì nghĩ ra đủ trò hành hạ bản thân và làm người khác day dứt  sao bạn không nhặt trên giá một cuốn sách và nghiền ngẫm nó có khi lại thấy được chân lí.

Bạn à. Có đôi khi tự dưng ta ngộ ra rằng năm tháng qua ta sống thật mờ nhạt, vô nghĩa.
Ta có muốn mình trông đẹp, quyến rũ trong mắt mọi người không ?
Có chứ. Nhưng thực chất cái quyến rũ làm người ta mê muội là cái đẹp từ tâm hồn. Vì sao ? Vì người ta không bao giờ nhìn hết nó, nó luôn bí ẩn.
Ta có muốn mình thành công ?
Có chứ. Thế mà thay vì đi dự một buổi học kĩ năng cần thiết ta chọn đi gặp người bạn trai, bạn gái.
Ta có muốn thành danh không ? Có chứ, thế mà sao lại tiếc tiền mua một vài cuốn sách để có được cái áo len mốt nhất. Sao lại ngại đứng lên phát biểu quan điểm để rồi “ bạn bảo sao, tôi nghe vậy” ?

Tôi nói có quá đáng lắm không ?
Tại sao tôi lại nhắc đến những chuyện này ?
Bởi tôi không thích sự cam chịu, không thích sự tự kỉ ám thị cứ tự cho rằng mình bất hạnh, mình đáng thương của một số người đặc biệt là các cô gái trẻ bây giờ. Tôi không thích đọc những dòng status rằng : em nhớ anh, em đau khổ lắm, ước gì bình yên một chút thôi…rồi thì đợi chờ, rồi thì phản bội...
Các bạn à, ta sống chính là ta đang tôi luyện bản thân, cuộc sống thử thách ta để cho ta vững vàng dần. Bạn bình yên, bạn sẽ không có những thứ tôi sẽ có trong một cuộc đời sóng gió đâu. Bạn có một tình yêu đẹp, bạn sẽ không được nếm cảm giác hụt hẫng khi buông tay đâu. Cuộc đời no đủ bạn sẽ không biết thế nào là bon chen kiếm sống… Vậy sao bạn không cảm ơn cuộc đời này đã cho bạn nhiều đến thế ?
Sống là phải mạnh mẽ, phải có niềm tin.




Thứ Ba, 18 tháng 9, 2012

Anh nợ em một kiếp


Anh có tin vào kiếp sau không ? Anh có nghĩ rằng có thiên đường không ? Nơi đó có chỗ cho em không ?

Người ta bảo em rằng đời chưa đủ say nên đời mới sinh ra rượu.Cái chất men đắng của rượu sẽ làm em quên đi tất cả, quên đi cả bản thân mình. Uống đi em, uống cho cạn, uống cho say. Sau men say là những trận phá phách coi thường mạng sống mà người bên cạnh em gọi đó là cuộc vui.
Em hư đốn, em sa ngã.
Em bỏ học, bỏ nhà. Em sẵn sàng vẽ lên khuôn mặt những vệt phấn son và một nụ cười giả tạo ngồi cạnh những gã đàn ông giàu có đến tìm rượu và gái đẹp, em sẵn sàng bước lên sàn nhảy làm trò vui cho thiên hạ. Nhưng em cũng sẵn sàng đập nát chai rượu trên tay vào người bất kì gã nào chạm vào em. Những lúc đó sẽ phải chạy thật nhanh để khỏi bị dằn mặt và để tìm một chỗ cho em thỏa sức mà gào khóc.
Em cứ chạy và chạy đến khi nào em thấy an toàn hay đơn giản chỉ là khi không còn đủ sức mà chạy nữa em sẽ dừng lại.
Cũng có lần em bị bắt, bị đánh, có lần bị đưa đi gặp cảnh sát...bao nhiêu lần em không nhớ nổi nhưng em sẽ nhớ mãi lần cuối cùng, cái lần mà em gặp anh.
 Một ngày mùa đông gió lạnh và mưa phùn, em ngồi co ro trong trại tạm giam thì có tiếng mở cửa lạch cạch, cô quản giáo báo rằng em đã được bảo lãnh có thể về.
Cũng chẳng có gì là bất ngờ vì với em những chuyện này đã quen rồi, người quản giáo chắc cũng quen mặt em lắm.
Trời nhả những hạt mưa bụi bay bay làm đôi tay em cứng lại, hai tai đau buốt, răng bập vào nhau thành những tiếng cạch cạch, cạch cạch...
Em biết rõ ai sẽ là người đến đón em, em chẳng ưa gì người đó, bất chấp cái rét em ngẩng đầu kiêu ngạo và đi thẳng. Nhưng không...hôm nay không phải hắn.
- Chào cô bé !
Cái chất giọng khàn và trầm quá. Em quay lại và em thấy anh. Anh mỉm cười. Ấm quá !!!
Em lặng lẽ đi theo anh. Trời còn âm u lắm, mưa bụi vẫn bay mà sao em cảm giác đằng sau tấm lưng rộng kia có ánh mặt trời.
***
Ăn hết hai bát mì tôm và húp sạch nước em mới ngẩng đầu lên ngắm căn nhà của anh.
Nhà anh không lớn, không đẹp, lạnh lẽo nữa nếu không muốn nói là nó hình như giống nhà hoang. Một chiếc giường bừa bộn và ẩm mốc, cái tủ xộc xệch, không bếp, không bàn, có độc 1 cái ghế mà em đang ngồi. Anh đứng dựa người vào cánh cửa, đang hút thuốc, làn khói thuốc mờ ảo làm em thấy anh đẹp quá.
- Em có quen anh không ?
- Không !
- Sao anh bảo lãnh cho em ?
- Anh không biết.
- Sao nhà anh không có bếp vậy ?
- Anh phá nó đi cho rộng nhà.
- Anh không bao giờ tự nấu nướng sao ?
- Anh không thích... No rồi chứ.
- Vâng ạ.
- Nhà em ở đâu anh đưa về.
- Em không có nhà.
Anh chậm rãi đi vào, ngồi xuống giường mà châm điếu thuốc.
- Anh muốn gì ở em ?
Anh không nói gì chỉ ngồi nhìn em và đều đều nhả khói.
- Không ai tự dưng giúp ai điều gì cả. Anh muốn gì ở em ?
- Anh muốn em về nhà.
Chiếc xe máy xình xịch dừng trước cổng, vậy là em đã đồng ý, đã nghe lời anh trở về nhà. Ngôi nhà màu trắng, cái màu phôi pha như tình cảm của những con người trong gia đình, em cảm giác như dòng máu của họ cũng lạnh lẽo như màu ấy. Em bước xuống còn anh chạy xe đi.
Tiền và danh tiếng của bố thừa sức để cho em xin tiếp tục đi học, em phải đi thôi, em mới là một học sinh lớp 12 và em không muốn là một đứa con gái không tự có nổi tấm bằng phổ thông. Bố gật đầu cho em tự chọn trường, tự đạp xe đi học miễn là em không bỏ đi nữa. Em chọn một ngôi trường gần nhà anh.
Em đi học, không làm quen, không kết bạn với ai hết, có lẽ vì em đã quen với cuộc sống cô đơn hoặc vì em không muốn có ai hỏi, ai biết về quá khứ của em, không muốn ai hiểu con người em hết. Nhưng em nhận ra càng ngày em càng muốn gắn bó với anh.
- Sao em cứ đến tìm anh vậy ?
- Em nhớ anh.
- Đừng có dại, anh không tốt đẹp gì đâu.
- Anh rất tốt với em.
- Em có biết anh làm nghề gì không ?
Phải rồi, từ ngày quen anh chưa bao giờ anh kể với em về công việc của anh, về gia đình, cha mẹ, anh chị em của anh. Em lắc đầu. Anh thì vẫn đều đều nhả khói thuốc.
- Nghề của anh là chém giết, là kẻ làm thuê cho tội ác.
Em buông bát mì tôm xuống cười sặc sụa, còn anh, anh đứng dậy bỏ đi. Thái độ của anh nói cho em biết rằng anh không hề đùa.
Em thích món mì tôm từ thuở nào hay tại em quen ăn nó cũng chẳng rõ. Khi không có người để ý hay khi cha mẹ đi công tác hàng tháng liền em đều đến nhà anh, có khi em một mình trong căn nhà ấy, mì tôm, nước trắng và gió lạnh...em đợi anh về.
Có những lúc em sợ đến tái mặt, đến không còn đứng vững khi thấy anh loạng choạng bước vào nhà mình đầy máu. Em biết rồi, đó là nghề của anh, em lặng lẽ lau sạch vết thương và băng lại, cơ thể của anh đầy sứt sẹo.
- Khóc gì chứ. Có phải em bị đau đâu.
- Có đau mà. Nhưng mà không nhìn thấy được.
...
- Anh không thể bỏ "công việc" này được sao ?
Anh nói với em rằng anh chẳng có gì đáng giá, không gia đình, không sự nghiệp, cũng chẳng có tình yêu tha thiết gì với cuộc sống. Lí do để anh sống chỉ đơn giản là để trả nghĩa, trả nghĩa người đã cưu mang anh, cho anh miếng cơm manh áo, anh trả nghĩa người đó bằng sức mạnh, bằng tính mạng của mình. Và anh đã quen với cuộc sống đó, anh thích vị của máu tanh, của chết chóc.
- Đó không phải con người của anh.
- Không ! Đó mới là con người của anh, cuộc sống của anh. Còn em, cuộc sống của em là phải ở bên cạnh cha mẹ em, là giảng đường đại học, là giàu sang, là tương lai tương sáng, ỏ đó em sẽ tìm thấy người yêu em.
- Nếu có người yêu em thì người đó phải là anh.
- Đừng có dại...
Anh không cự tuyệt, không xua đuổi, cũng không thể hiện đón chào em, cứ lạnh lùng, hờ hững, chính điều đó lại làm em càng muốn gần anh hơn. Em bảo em yêu anh mặc cho anh là ai, anh làm gì, em yêu anh dù anh có gây bao nhiêu tội ác, em yêu anh dù có những ngày em gặp rất nhiều cô gái tự nhận là người của anh, họ hăm dọa em, bảo em tránh xa anh...em bỏ mặc hết tất cả.

Anh muốn em vào đại học vì đơn giản đó từng là giấc mơ của anh. Em sẽ thay anh thực hiện giấc mơ đó. Em cứ hi vọng rằng sau khi em cầm giấy báo đỗ đại học em sẽ là người trưởng thành trong mắt anh và tính yêu của chúng ta sẽ bắt đầu.
Nhưng sự thật đã không như thế...
Anh gửi cho em một lời nhắn chúc mừng em và biến mất.
Anh đã từng đến bên em bất ngờ và nhẹ nhàng như một cơn gió và giờ anh đi khỏi cuộc đời em cũng lặng lẽ và nhẹ nhàng như một cơn gió.
Em vẫn đến căn nhà của anh, vẫn ngồi đó hằng đêm và mong anh sẽ trở về.
Từng giây đồng hồ tích tắc, tích tắc trôi qua, em đã đợi anh lâu lắm rồi. Một ngày, một tuần, một tháng, em hao gầy vì nhớ anh. Bao nhiêu giây nữa em sẽ đợi anh tròn một năm rồi cả đời con gái...?
Em không trả lời được nhưng có một điều em chắc chắn...em không muốn thế. Em phải tìm thấy anh.
***
Em quay lại những quán bar, vũ trường, những ổ bạc, những nơi ngày xưa em từng ở đó, nhờ họ tìm anh cho em.
Em gặp lại anh trong một buổi tối mùa đông. Mùa đông năm ngoái em quen anh, mùa đông năm nay em gặp lại anh nhưng em không bao giờ biết rằng đó là lần cuối cùng được nhìn gương mặt anh.
Dưới ánh đèn nhập nhoạng, tiếng DJ, những tiếng người mà em tưởng đó là gầm , tiếng hú, những bước chân, mái tóc điên cuồng anh cùng một đám thanh niên khác đang lẫn trong một trận ẩu đả, anh đang giúp ông chủ của mình giành lấy địa bàn đó sao ? Phải có máu và hi sinh sao ?
Em không dám chạy thẳng vào nơi đó, cũng không dám gọi anh. Bên cạnh em, một gã đàn ông giương súng chĩa về phía anh. Hắn chuẩn bị bóp cò...một tiếng đoàng chói tai.
Anh ở gần em quá nhưng lại sắp phải nói lời từ biệt rồi, em sẽ không còn gặp anh thêm một lần nào nữa. Em muốn ôm gương mặt anh mà sao khó quá . Anh có tin vào kiếp sau không ? Em thì tin, em vẫn luôn mong có kiếp sau để cho em làm lại từ đầu, cho em lại gặp anh. Em sẽ là một cô gái ngoan hiền, em sẽ không sinh ra trong gia đình giàu có nữa, em muốn tự lao động kiếm sống, anh cũng làm một người lương thiện nhé để chúng ta bên nhau mãi mãi. Kiếp sau nhớ tìm nhau anh nhé.
Em cảm giác có ai đó nhấc mình lên và mang đi rất nhanh, em buông tay, thả cả thân mình trong tay người đó, anh ta lướt đi như gió.

***
Hẹn em một ngày bình yên, một ngày rời xa tất cả, ta sẽ gặp em ở cổng thiên đường.

Gia đình là gì ? Tình thương là gì ? Yêu là gì ? Trong tâm trí tôi đã không còn những thứ ấy từ khi tôi 15 tuổi. Sau những năm tháng mưu sinh bằng đánh giày và xoáy trộm của người giàu tôi được ông mang về. Ông dạy tôi đọc sách, dạy tôi đánh nhau, dạy tôi giết người. Và tôi biết cuộc đời của tôi từ nay do ông điều khiển, sinh mạng của tôi do ông nắm giữ.
Những ngày đầu vào nghề, để cho tôi chai sạn dần, ông giao cho tôi cùng với đám thanh niên khác đi dằn mặt những kẻ nổi loạn, những kẻ qua mặt ông, đôi lúc là giúp ông mang mở rộng địa bàn hoặc bí mật lấy số một kẻ nào đó.
Sau khi thử thách lòng trung thành và thấy tôi đã dày dạn, ông cho tôi quản lí những sàn nhảy, nhiệm vụ của tôi là đảm bảo cho nơi đó an toàn, trật tự, sau này tôi mới phát hiện đó là nơi ông cho tiêu thụ ma túy tổng hợp.
Tôi hay ngồi một mình trong góc bar và hút thuốc. Tôi quan sát những con người dưới ánh đèn nhập nhoạng này họ như những con thiêu thân, như những con quỷ, đánh mất linh hồn chỉ còn biết lắc mình theo điệu nhạc. Tôi cũng để ý một cô gái, cô gái có khuôn mặt sáng như gương, ánh mắt trong veo nhưng buồn và nhìn người ta một cách u uất. Em hay cười, nụ cười có thể đánh ngã bất cứ thằng đàn ông nào. Thân hình nhỏ bé, hơi ốm, mái tóc gợn sóng không bao giờ thả, luôn được buộc cao. Tôi đoán em chỉ tầm 20 tuổi.
Tôi thích quan sát những lúc em gây sự, em quăng mọi thứ trong tầm tay vào những con dê già háo sắc và nhanh chóng tìm đường trốn. Thì ra em vẫn là một cô gái ngoan, ngoan theo cách của em. Em vẫn là người chủ của bản thân, của linh hồn mình. Tôi thường cười mà không ý thức được và tự bao giờ tôi giao cho mình cái trách nhiệm phải giữ an toàn cho cô gái này.
Tôi cho đàn em tìm hiểu về cô gái ấy. Tôi tiếc cho em, em có cả một tương lai...chỗ này không dành cho em.
Đó là lí do mà tôi quyết định đưa em ra khỏi trại giáo dưỡng trong một lần em đánh người ta và bị bắt. Em đến nhà tôi, có em dường như căn nhà ấm áp hơn rất nhiều.
- Chính xác thì em bao nhiêu tuổi ?
- Mười bảy.
- Trẻ quá nhỉ ?
- Thế anh bao nhiêu tuổi ?
- Hai mươi chín.
- Già quá nhỉ ?
Em thích đùa, thích chặn họng tôi những lúc em không muốn nghe. Phải rồi, ở tuổi của em phải hồn nhiên, phải cá tính như thế. Em khoe với tôi em đã đi học lại và muốn tôi thưởng cho em bằng cách cho em chìa khóa nhà tôi. Tôi miễn cưỡng đồng ý.
Tôi dần quen với sự có mặt của em trong ngôi nhà ấy.Tôi hạnh phúc đến mức con tim muốn nhảy ra khỏi lồng ngực khi mỗi lần tôi trở về và thấy em ngồi đó. Tôi định đưa em đi ăn nhưng em bảo đã nấu nước đợi tôi về cùng...ăn mì tôm.
Tôi cũng quen dần với việc làm tài xế cho em, đèo em về mỗi đêm. Có những ngày em muốn ở luôn nhà tôi vì nhà em đang không có ai ở nên rất vắng, rất sợ. Em khôn ngoan lắm, một cô gái từng ngủ cả ngầm cầu như em chẳng lẽ lại sợ ở nhà một mình. Nhưng em luôn biết rằng nói ra cái lí do em sợ thì tôi sẽ không thể từ chối vì tôi là người bảo vệ của em.

Hình như tôi đang được nếm trải cái cảm giác yêu. Và chắc tôi yêu em mất rồi nhưng tôi luôn ý thức được một điều...chúng tôi không thể. Chúng tôi thuộc về hai thế giới hoàn toàn khác nhau.
Tôi luôn dặn mình phải giữ khoảng cách với em. Điều đó với em hình như chẳng có tác dụng gì. Em vẫn đến bên tôi và vẫn nói với tôi rằng em yêu tôi nhiều đến thế nào.
Tôi là một thằng đàn ông, tôi là đại ca của một hàng chục đàn em và một phương thức để tôi làm vững chắc thêm hình ảnh mình là phụ nữ. Những cô gái đẹp họ vây quanh tôi, có những người là gái giang hồ, người là con của những ông trùm. Họ đến bên tôi có thể vì yêu, vì tìm chỗ nương tựa hoặc giả như đóng vai công chúa Huyền Trân đến bên tôi dùng tình yêu để dần dần thương lượng địa bàn, quyền lực. Tôi cần họ nhưng tôi không có tình yêu và vì thế chưa bao giờ tôi làm gì để phải hối hận. Có những lúc tôi sống với họ như vợ chồng nhưng sau cơn đam mê để thỏa mãn cái bản tính con ở trong tôi thì không còn gì cả.
Tôi có thể lên giường với bất cứ ai nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ đến việc sẽ sở hữu em. Trong mắt tôi em luôn thánh thiện, trong sáng, em luôn là cô gái ngoan. Tôi không muốn phá vỡ cái hình ảnh đó.
Qua những gì em nói, những câu chuyện em kể tôi biết em là một cô gái thông mình và học giỏi dù em chẳng yêu thích gì việc học hành. Học tập một cách chăm chỉ là chuẩn bị tốt hành trang cho việc trở thành cỗ máy kiếm tiền của cha mẹ và duy trì tài sản cho họ. Em nói với tôi thế đấy.
Em luôn nghe lời tôi và tôi nói tôi muốn em học thật tốt, học thay cho những năm tháng tôi không được đi học, học để vào trường đại học mà tôi hằng mơ ước. Em ngoan ngoãn gật đầu và em không làm tôi thất vọng chút nào.
Tôi mừng cho em và tôi cũng biết chúng ta nên xa nhau từ đây. Cuộc đời em sang một trang mới còn tôi thì không muốn mình viết một dòng nào lên đó cả. Tôi viết một lá thư cho em, đặt nó trong căn nhà của tôi, tôi tặng nó cho em, tùy em sử dụng.
Tôi không nghĩ mình lại nhớ em nhiều đến thế. Sau những trận ẩu đả, men rượu, khói thuốc, một mình trong căn phòng tối tôi càng nhớ em hơn. Em có đang hạnh phúc không ?
Bao nhiêu lần tôi cố ngăn mình không phóng xe về căn nhà cũ tìm em, bao lần tôi thấy em ngoài đường và phải cố ngăn mình không gọi tên em thành tiếng.
Em thích gọi tôi là Phong vì tôi giống một cơn gió. Phải chi tôi là một cơn gió, tôi sẽ bên em mãi mãi.
Tôi trở về với công việc thường ngày của mình, ngồi trong quán bar và quan sát. Một toán người kéo đến, đám này chắc mới vào nghề muốn chứng minh bản thân nên chúng hiếu chiến lắm, cứ lăn xả vào tôi. Mấy thằng đàn em tay lao ra giúp tôi. Nơi này lâu nay vốn yên bình nên tôi bố trí anh em không đông lắm nhưng hôm nay cái quyết định đó đã phản bội tôi, giáng cho tôi một đòn, tôi chỉ biết chống cự để giành cơ hội sống.
Một tiếng đoàng đến chói tai. Tất cả chúng tôi đều giật mình quay ra nhìn, gã đàn ông cầm súng đang giằng co với một cô gái, hai tay gã run run nắm chặt khẩu súng. Khẩu súng đặt ngay sát người cô gái, mặt gã tái mét đi. Thêm một loạt tiếng nổ inh tai nữa, hết cả 6 viên đạn, cô gái buông tay gục xuống, gã sợ hãi ném khẩu súng đi miệng không ngừng lẩm bẩn "Cô ấy tự bóp cò...cô ấy tự bóp cò...tôi không giết cô ấy"
Nhìn vị trí và hướng cánh tay của gã tôi hiểu rằng lẽ ra 6 viên đạn kia phải xuyên qua người tôi.
Tôi gầm lên, nhảy trèo lên người gã đấm điên cuồng...và tôi ôm em lao đi.
Tay tôi nhuốm máu bao người và giờ nhuốm cả máu em. Nó ấm và chảy thành dòng trên ngực áo tôi, thấm vào da thịt tôi. Tôi gào không lên tiếng, nghẹn ức và khàn đặc trong cổ họng, tôi không thể nói một câu gì thành lời. Em giật giật áo tôi rồi ngước nhìn tôi. Cái ánh nhìn trong veo nhạt nhòa nước mắt của em, nụ cười méo mó của em làm tôi đau đớn. Môi em mấp máy như muốn nói với tôi một câu gì đó yếu ớt, tôi không nghe được. Tôi áp tai vào gương mặt em để lắng nghe. Một lời cuối cùng em nói với tôi " Anh có tin rằng có kiếp sau không ?"
Rồi em buông tay. Tôi đến bệnh viện nhưng...
Tôi đưa em về nhà với cha mẹ em. Họ khóc lóc, họ chửi rủa tôi, họ đánh tôi. Chẳng có ý nghĩa gì cả vì em chẳng còn nữa, cũng chẳng còn gì làm tôi đau hơn nữa.
Tôi âm thầm đến dự tang lễ của em. Một tang lễ lớn, mẹ em khóc, người làm trong nhà của em khóc. Bố em đứng lặng im bên quan tài. Những người đến dự hầu hết là bạn bè của bố em vì trông họ già, đĩnh đạc. Không có bóng dáng chàng trai hay cô gái nào tầm tuổi em cả. Thật chua xót Thì ra em cô đơn đến thế.
Tôi ngồi bên ngôi mộ mới đắp, lặng im, không khóc, không nói gì hết. Em hỏi tôi có tin vào kiếp sau không ? Tôi chưa bao giờ tin cả, nhưng bây giờ tôi muốn nó có thật, tôi muốn có kiếp sau để tôi gặp lại em, tôi sẽ trả cho em một kiếp. Tôi đang hận chính mình vì sao lại xuất hiện, vì sao lại ra mặt giúp em, nếu không có tôi thì cuộc sống của em đã không có kết thúc thế này. Nếu được làm lại thì tôi sẽ không làm như thế dù có phải hối tiếc vì sẽ không biết thế nào là yêu một người và sẽ không biết thế nào là có một người yêu mình hơn cả mạng sống.
Tôi cầm trên tay cành trúc đào. Trúc Đào cũng là tên của em. Em hay đùa với tôi rằng em là một loài hoa dại, đẹp nhưng mà độc đến từng tế bào sẽ làm cho người khác đau đớn, không thở được rồi chết. Nhưng em có biết rằng em trong lành, thanh khiết và cao thượng hơn cả Uất Kim Hương. Tôi đặt một nhành hoa nhỏ lên mộ em, còn cả cành hoa trên tay tôi, tôi ngồi bứt lá vo lại và nhai thật kĩ. Tôi nuốt được vị mặn chát như nước mắt, tôi nuốt vào vị đắng của cuộc đời, tôi nuốt phải vị chua cay như ánh mắt người ta nhìn tôi...cứ nhai mãi nhai mãi...lần cuối cùng còn cảm giác tôi thấy có vị ngọt bùi như tình yêu của em.
Anh sẽ gặp em ở kiếp sau nhé !
Ngày mai báo chí sẽ đồng loạt đưa tin một chàng chết bên mộ một cô gái hay Hoàng tên giang hồ bị săn đuổi bấy lâu nay đã chết. Ngày mai giang hồ sẽ nổi sóng, sẽ có kẻ lo sợ vì mất đi một trợ thủ đắc lực, một tên bảo kê dạn dày, bạt mạng, sẽ có những kẻ vui mừng chúc tụng nhau vì bỗng dưng mất đi một tên hay thích làm kì đà. Ngày mai, cái gã muốn bắn anh sẽ bị xử tử, tử theo luật của giang hồ. Ngày mai, anh sẽ bắt đầu một cuộc sống mới, chúng ta sẽ bình yên, sẽ nắm tay nhau bước vào cổng thiên đường.

Chủ Nhật, 16 tháng 9, 2012

Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ


Robert Rojdesvensky

   Dịch : Thái Bá Tân 


"Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ...! "

Một vé trở về giấc mơ màu cổ tích
Bút mực, truyện tranh...những tiếng cười khúc khích.
Bàn có năm người và một bịch bỏng ngô.

Cho tôi về cái thời biết tập tô
Vẽ ông mặt trời cười hiền hiền như bố
Cột tóc hai bên lon ton chào khắp phố
Chiếc xắc xinh xinh đựng những món đồ hàng.


Cho tôi về chơi lại ô ăn quan

Bắn chun, ùn đẩy rồi xếp hàng vào lớp
Kéo áo bàn trên mượn bút chì, tẩy, thước...
"Mày ơi !" , xòe tay là được hạt ô mai...

Cho tôi xin một vé, không hai
Vé một chiều chẳng còn đường quay lại
Cho tôi về tuổi thơ tôi mãi mãi
Ngủ với trăng sao trong những giấc mơ dài...

Ở một nơi nào đấy xa xôi ....
Có thành phố như giấc mơ im ắng ...
Một dòng sông lẳng lặng...
Một dòng sông nước như gương lờ trôi...
Ở một nơi nào đấy xa xôi...
Có thành phố ngày xưa, có thành phố...
Nơi rất ấm tuổi thơ ta ở đó ...
Từ rất lâu ... Đã từ lâu ... trôi qua...



Ðêm nay tôi bước vội khỏi nhà . Đến ga...xếp hàng mua vé...
"Lần đầu tiên trong nghìn năm,có lẽ ...
Cho tôi xin một vé đi Tuổi thơ...
Vé hạng trung ! "
Người bán vé hững hờ ... Khe khẽ đáp : "Hôm nay vé hết!"
- "Biết làm sao! vé hết....Biết làm sao!"

Ðường tới Tuổi thơ còn biết hỏi nơi nào?
Nếu không kể đôi khi ta tới đó
Qua trí nhớ của chúng ta...từ nhỏ...
Thành phố Tuổi thơ - Thành phố truyện thần kỳ....
Cơn gió đùa tinh nghịch dẫn ta đi....
...Ôi thành phố Tuổi thơ - Bài ca ngày nhỏ...
Trái đất nhiều đường...từ thành phố Tuổi thơ
Chúng tôi lớn....Đi xa....
Hãy tin và Thứ lỗi.....
"Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ"...

Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2012

Tan vỡ

Cậu bé ấy có cái tên rất lạ " Tâm Hồn ". Là con một nên cậu được chăm chút lắm. Chắc vì thế mà Tâm Hồn lớn nhanh đến lạ kì. Càng lạ hơn là cậu có một đôi cánh. 
Tâm Hồn rất yêu đời, thích rong chơi, bay nhảy, thưởng thức những kì thú của thiên nhiên, những niềm vui bình dị của cuộc sống.Tất cả những ham thích ấy giúp đôi cánh của cậu ngày càng đẹp, ngày càng lớn.
Bố Tâm Hồn thấy vậy thì buồn lắm. Cuộc đời ông đã sống trong tuyệt vọng, Tâm Hồn là niềm hi vọng duy nhất ông có bây giờ. Ông muốn nó là một chàng trai làm những việc khuấy động đất trời, không phải mãi là kẻ rong chơi qua thế kỉ. Tâm Hồn thương bố, không ngần ngại bẻ gãy đôi cánh của mình, từ nay không bay nhảy , từ nay sẽ rời xa những tháng ngày thơ mộng. 

Không còn bay cao , bay xa ,hàng ngày Tâm Hồn đắm chìm trong những cảm xúc của âm nhạc, cậu thích ôm cây đàn ngồi hát nghêu ngao với đất trời, nhưng mọi thứ bên cạnh cậu chúng không hấp thụ được thứ âm nhạc ấy. Đào thải không được, chúng chán ngán tìm một vùng trời khác. Tâm Hồn không muốn ai phải đi , cậu tự cắt đứt đôi tay, tự cấm khẩu mình. Một Tâm Hồn im lặng.
Tâm Hồn chỉ còn sự nghiệp thôi, cậu muốn rời gia đình, xa quê hương đi tìm mảnh đất cho riêng mình. Nhưng khi nhìn dòng nước mắt nghẹn ngào của người mẹ níu kéo đứa con, Tâm Hồn nuốt lệ, cắt bỏ tiếp đôi chân của mình.Một Tâm Hồn trầm lặng, sâu sắc, trưởng thành, từ nay Tâm Hồn thực sự là đứa con cưng ngoan ngoãn của cha mẹ .
Giờ đây Tâm Hồn chỉ cảm nhận cuộc đời bằng đôi mắt. Đôi mắt ngày xưa đầy vui tươi, rạng rỡ, giờ u sầu, nặng trĩu vì cậu nhận ra bao thói đời đen bạc. Xung quanh, người chạy theo vật chất, người mụ mị trong tình yêu lứa đôi, còn những tình yêu khác khó mà nhìn thấy được. Buồn đau cho thế thái nhân tình đầy thiên vị, lệch lạc mà bản thân tàn phế, vô dụng, Tâm Hồn đã bỏ đi cả đôi mắt của mình.

Không còn gì cho bản thân nữa, Tâm Hồn khô héo dần. Nhưng thứ gì đó trong cậu như đang quằn quại, đang vùng vẫy.Sức mạnh ấy lớn dần, chúng rạch lên cậu một vết rồi thoát ra.Những ước mơ, những say mê, nhiệt huyết của cậu bay đi mãi mãi để lại Tâm Hồn ôm vết thương sâu hoáy ngày qua ngày yên bình...Chút sực tàn chẳng còn đủ để mà làm việc đội trời đạp đất, chẳng còn đủ mà cười đùa bên người mẹ, chỉ còn trong cậu một câu tự vấn " Giữa nhân gian, ta tồn tại để làm gì ? ".

Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2012

Thư của bố


Tác giả: Edmondo De Amicis
Sách vở của con là vũ khí, lớp học của con là chiến trường, hãy coi sự ngu dốt là thù địch.
  • Con yêu quý của bố!
    Học quả là khó khăn, gian khổ. Bố muốn con đến trường với lòng hăng say và niềm phấn khởi.
    Con hãy nghĩ đến những người thợ tối tối đến trường sau một ngày lao động vất vả, cả đến những người lính vừa ở thao trường về là ngồi vào bàn đọc đọc, viết viết. Con hãy nghĩ đến các em nhỏ bị câm hoặc điếc mà vẫn thích đi học.

    Khi một ngày mới bắt đầu ,tất cả trẻ em trên thế giới đều cắp sách đến trường. Những học sinh ấy hối hả bước trên khắp các nẻo đường ở nông thôn,trên những phố dài của các thị trấn đông đúc,dưới trời nắng gắt hay trong tuyết rơi. Từ những ngôi trường xa xôi trên miền tuyết phủ của nước Nga đến những ngôi trường hẻo lánh núp dưới hàng cọ của xứ A- rập.
    Hàng triệu,hàng triệu trẻ em cùng đi học.
    Con hãy tưởng tượng mà xem: Nếu phong trào học tập ấy ngừng lại thì nhân loại sẽ bị chìm đắm trong cảnh ngu dốt, trong sự dã man.
    Hãy can đảm lên hỡi người chiến sĩ của đạo quân vĩ đại kia!
    Sách vở của con là vũ khí, lớp học của con là chiến trường, hãy coi sự ngu dốt là thù địch.
    Bố tin rằng con luôn luôn cố gắng và sẽ không bao giờ là người lính hèn nhát trên mặt trận đầy gian khổ ấy.
    Lâu lắm rồi, hình như là từ ngày mình còn đánh vần để đọc được từng chữ nhưng mà mỗi khi đọc lại vẫn thấy xốn xang.

Thứ Sáu, 7 tháng 9, 2012

Cha và con và...

Tản văn của Nhà văn Nguyễn Quang Lập


Anh len lén leo lên phản nằm sấp, cái mông chổng cao, sợ hãi nói bọ mới uống có hai chén thôi con.

Thằng Minh quất cái roi cực mạnh xuống phản nói bọ hứa tui răng?

Hè vừa rồi về quê, gặp anh Cá. Anh già yếu hom heo, nát rượu, suốt ngày say bét nhè, đi đứng liêu xiêu, lúc nào cũng như sắp ngã. Ai biết anh một thời được coi là anh hùng của Thị trấn, là người bắt được phi công Mỹ đầu tiên của huyện.

Chiến tranh qua lâu rồi, chẳng ai nhớ đến anh nữa, chừng 4, 5 chục tuổi, anh bắt đầu nát rượu.


Anh chẳng làm gì ngoài việc đi liệm xác. Trong vùng, hễ có ai chết là gọi anh cu Cá, chưa khi nào anh từ chối, kể cả lúc nửa đêm, phải đi xa năm mười cây số anh cũng không từ. Người chết có đủ loại, người khỏe mạnh, sạch sẽ không nói làm gì; người bẩn thỉu, bệnh tật, lại bệnh truyền nhiễm mà chết thì đến ruột cật cũng chẳng ai dám mó tay vào. Anh Cá OK hết.

Anh ngậm rượu phun toẹt cái nói một câu, lại ngậm rượu phun toẹt cái lại nói một câu. Cứ như anh đang nói với người sống chứ không phải người chết. Hôm chị Qui mình chết, anh cũng tới liệm. Khi đó anh Huy đang làm cầu Thăng Long, không về kịp. Mình con trai ngồi ngoài, không cho vào nhưng nghe anh nói đủ cả.

Anh nói con ni mặt đen nhưng ngườì ngợm trắng gớm hè, rồi phun rượu cái toẹt. Anh nói mới 28 tuổi chết tội hè, không biết thằng Huy làm được mấy phát mà chết rồi đây.

Mạ mình khóc hét lên mi nói cái chi rứa Cá ơi là Cá.

Anh phun rượu cái toẹt nói mự hay, tui nói thiệt đó, mấy con bụ to hay chết non, tội lắm.

Vào lúc tang tóc anh lại nói bậy bạ nhiều người tức lắm, có người còn dọa đánh, nhưng đụng sự không thể không mời anh.

Anh làm cẩn thận, sạch sẽ, tiền công chẳng đáng bao nhiêu.

Thực ra ngậm rượu phun vậy, đến khi xong việc đã say nhừ, ai nhét vào túi anh bao nhiêu anh cũng chẳng thèm để ý.

Tất nhiên khi say là chân nam đá chân chiêu vừa đi vừa hát, vấp ngã đâu là nằm đó ngủ cho tới sáng, nhiều khi con cái đi tìm toát mồ hôi.

Một điều lạ, khắp Thị trấn anh không sợ ai, chỉ sợ con.



Vợ anh chết sớm, anh sống với 3 cô con gái và thằng Minh, con trai cả. Con gái anh không sợ, anh chỉ sợ mỗi thằng Minh.

Anh đi suốt ngày, chiều tối mới ngật ngưỡng về nhà, lật cái nắp soong cơm lên, nếu không có thằng Minh, bất kể cơm còn ít hay nhiều, anh đều dập mạnh cái nắp, trợn mắt hét mạ, bay để cơm cho bọ bay ri đa!

Anh vừa ăn vừa chửi, nói công tao giáo dưỡng sinh thành mà đến đọi cơm tụi bay còn tiếc. Mạ, tao chết coi thử tụi bay có bốc cứt mà ăn không.

Nhưng khi thằng Minh bước vào, nghiêm giọng hỏi chi rứa bọ, lập tức anh im ngay, cười cái xoẹt nói có chi mô con. Rồi anh ngước mặt nhìn mấy cô con gái ngọt ngào răng tụi bây phần cho bọ nhiều ri, đứa mô ngoan hái cho bọ trái ớt.



Đám tang mẹ Tiểu Hoa, nghệ sĩ Kịch đoàn kịch Bình Trị Thiên, ở sát nhà anh. Liệm xong anh còn ở lại, lăng xăng làm cái này làm cái nọ suốt đêm.

Tiểu Hoa thì ngồi khóc vùi, chẳng biết anh làm gì, sáng mai chỉ gửi anh tiền công liệm. Anh chửi mạ, mi trả tau từng ni tiền a. Vừa dứt lời thì thằng Minh vào hỏi chi rứa bọ. Anh cười cái xoẹt đưa tiền cho Tiểu Hoa nói Hoa ơi, dượng nói rứa chớ dượng không lấy mô con.

Bất kì ai đụng sự là anh chửi, khoa chân múa tay giống anh hùng hảo hán, nhưng hễ gặp thằng Minh là anh nhũn như con chi chi, khi say mềm y chang thằng con nít ba bốn tuổi.

Ba ngày mở cửa mả chị Qui, mạ mình đưa gói xôi thịt cho mình nói đưa sang cho anh cu Cá. Bà còn dặn thêm nhớ đưa tận tay anh, không anh đến nhà chửi cha mình đó.

Mình sang, không có anh, ngồi đợi. Thằng Minh ngồi tiếp mình một lát thì anh về, chân nam đá chân chiêu.

Thằng Minh trừng mắt, nói bọ uống mô về say rồi. Ông dựa vách len lén nhìn thằng Minh, len lén đi vào, lập cập nói không không... bọ mới uống có... hai hai chén thôi con.

Thằng Minh rút cái roi mây chỉ mặt ông nói vô phản nằm xuống!

Mình ngạc nhiên quá trời.

Thằng Minh dứ dứ cái roi nói bọ nợ mấy roi rồi. Ông nói 14 roi con, thằng Minh hét răng lại 14, ông lập cập nói ngay 20, 20,... thằng Minh hét tui không đùa với bọ mô nghe. Ông mếu máo nói ba chục roi rồi, nhưng bữa ni cho bọ nợ con ơi.

Thằng Minh nói rứa là cả thảy 33 roi nghe chưa. Anh nói ừ, 33 roi,... bọ nhớ rồi con.

Thằng Minh quát vô ăn cơm, ông len lén đi vào bếp.

Thằng Minh dắt cái roi lên vách nháy mắt với mình cười, nói dọa cho ông sợ chứ ông hư lắm.

Chuyện này mình kể cả trăm lần, ai cũng cười nhưng chẳng có ai tin.

Hôm anh Cá tới thăm ba mình ốm, ba mình nói nghe thằng Lập nói mày bị thằng Minh dọa đánh à?

Anh nói mô có cậu, tại con dạy nó lâu ngày quên, chừ nó dạy lại cho nhớ thôi, có chi.