Trang

Thứ Ba, 8 tháng 12, 2015

...

Một thời mình từng có cái ý tưởng điên rồ là thử chết xem sao, chắc nhẹ nhàng hơn sống rất nhiều.
Cho đến khi bác sĩ bảo mình nhập viện ngay nếu muốn giữ mạng, mình mới ngộ ra mình muốn sống và phải sống cho thật tốt.
Đôi khi thấy bản thân như một đứa vô cảm, chả cần gì, chả yêu thương thứ gì nên chả biết mình phải sống vì điều gì nữa. Mình từng biết một con người quanh năm ngày tháng ôm một nỗi đau, bấu víu, gặm nhấm nó mà sống. Cái đó mình không làm được.
Một lí do duy nhất mình có thể vẽ ra là sống vì gia đình. Đúng. Nếu mình chết thật thì chắc bố mẹ đau lòng lắm. 
Nhưng cũng vì thế mà mình muốn chạy thật xa thật xa. Vì ở bên gia đình, dù rất cố mình vẫn luôn không thể thở được một cách bình thường. 
Tại sao người ta dễ dàng cười nói với một người lạ mà không thể với người thân?
Mỗi một con người đều có những tổn thương. Nhưng tổn thương lớn nhất lại là do người thân mang đến. Tại sao?
Một lần nữa mình muốn biến mất khỏi thế giới này. Nhưng mình không làm đâu.
Cuộc sống không cho phép ai làm lại điều gì nên đừng bao giờ nói câu hối hận.


Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2015

Nhảm

Muốn viết gì đó cho đỡ thấy bế tắc mà không viết được. Ha ha.
Mưa lạnh và chả nghĩ ra mình phải làm gì. Thèm được ngồi cùng với mấy đứa điên điên và tách cafe nóng quá.

Thứ Ba, 17 tháng 11, 2015

Nhảm


Quán cafe dưới gầm cầu xe lửa
Hạt mưa đen rơi trên ô kính vỡ
Ngón tay dài trong bóng tối run run
...
Cái đêm giao thừa 2015, ở nhà một mình, chả biết làm gì đành vác người vào công ti ngủ. Cả đêm ấy bị ám ảnh với cái quán cafe dưới gầm cầu xe lửa của Lưu Quang Vũ. Mình cứ tưởng tượng ra trong cái chốn lụp xụp, xô bồ hiện ra hình ảnh đầy u sầu mà lạnh lùng cao ngạo của nó cũng như của con người ngồi bên li cafe ấy. Một li phin đen, chậm rãi nhỏ từng giọt thật đen.
Người cô đơn tìm đến rượu. Người cô độc tìm đến cafe.
Chả liên quan nhưng hôm nay mình nhớ Tết năm ngoái quá :))

Thứ Năm, 1 tháng 10, 2015

Nhảm

Viết tí kỉ niệm chuyến thăm Hà Nội ý mà
----
1. Có cái gì đó không biết gọi là gì

Mình thích hệ thống xe bus Hà Nội, nhiều tuyến, tần suất lớn và cứ đến điểm là dừng. Hầu như tuyến nào cũng đông, không bám chẳng lo ngã. Cơ mà nhấc 1 chân thôi e rằng tí không còn chỗ mà đặt lại. Đối tượng hành khách phần lớn là sinh viên, phần còn lại thì đa dạng bao gồm người dân đi làm đi chơi, người từ tỉnh khác đi bến xe và người đi kiếm ăn.
Theo thống kê sơ sơ của mình thì dù sinh viên là thành phần xã hội nghèo nhất trên xe nhưng có công giúp đỡ đối tượng đi kiếm ăn này nhiều nhất. Mình cũng đã từng cống hiến cho các gã 2 chiếc điện thoại cục gạch. Ai muốn nghe chi tiết vụ cống hiến nao mình kể cho nghe.
Trở lại cái xe bus. Hôm trước lên Hà Nội, thấy xe bus dạo này thoáng hơn ngày xưa. Ờ thì chắc xăng giảm giá hay số lượng xe tăng lên hay tại tạm thời số lượng sinh viên chưa được tuyển đủ thì mình không rõ. Chỉ biết là... không phải đứng rồi.
Trên xe có anh chàng khuyết tật đội mũ bảo hiểm và đeo chiếc cặp laptop cũ. Anh mang theo 1 cái rổ nhỏ và... đi xin tiền hành khách. Mình chả phải đa nghi nhưng cái bộ dạng của anh, chính cái mũ của anh đã tự tố cáo anh rùi. Anh ta đi lại theo kiểu dặt dẹo, nói thì ê a lí nhí. Vâng. Rất đặc trưng và rất ghét. Đặc trưng vì hình như cứ đi xin là người ta đều nói giọng ấy. Ghét thì là do quan điểm của mình thôi. Mình cho rằng ăn mày thì cũng phải ăn to nói lớn. Xin cũng cứ đường hoàng mà xin. Bao nhiêu năm sống ở Hà Nội, rình mò nhòm ngó cuộc mưu sinh nơi vỉa hè mình biết nó là một nghề nhưng là cái nghề không dành cho những người còn khả năng lao động trừ phi gã đã vứt phéng đi cái liêm sỉ của gã. Khi đó không gọi là đi xin bố thí nữa mà gọi là lừa đảo. Tất nhiên mình bị lừa nhiều rồi :))
Anh phụ xe bắt đầu lên tiếng khuyên các hành khách... đừng hành động gì cả. Khà khà.
Có điểm dừng là có khách mới. Có khách mới là gã lại đứng lên vác rổ đi ê a lí nhí. Mình mà là anh phụ xe chắc mình nhờ gã đi thu vé hộ quá vì gã tia khách quá nhanh. Quả thật mình ngồi được 4-5 chặng xe mình thấy muốn đứng dậy nện cho gã một trận xem gã có thật yếu đuối như cái bộ dạng của gã. Gã mà yếu thật mình thề mình mang gã về nuôi.
Anh phụ xe vẫn tiếp tục nói, anh nói đủ thứ, nói người đáng được giúp đỡ thì như thế nào, nói cách giúp đỡ đúng đắn là như thế nào, nói đông nói tây.
Và gã đã xuống xe.
Và mình không kết luận thêm gì nữa :v

2. Văn hóa bán hàng

Từ ngày bị ốm tự dưng mình thích đọc về y học. Hôm ấy mình đi làm xét nghiệm bên viện đại học Y, lúc về ngó thấy hiệu sách thế là tạt vào rất khí thế. Khi đặt được 2 chân trọn vẹn vào gian sách thì chủ quán hỏi cháu tìm sách gì. Mình vẫn như mọi khi chả tìm gì cả cứ xem, thích thì lấy thôi. Mình cũng bảo bác như vậy. Bác bảo đi mua sách thì phải biết sách gì chứ, rùi hỏi mình có học y không. Mình bảo không. Thế là bị đuổi :))
Bác bảo sách ở đây toàn giảng viên, tiến sĩ đọc, sinh viên y đọc còn thấy khó huống chi là mình. Mình chào bác rùi đi, trong lòng tất nhiên không khỏi thấy ấm ức.
Có thể hàng hóa khác nhau thì văn hóa bán hàng cũng khác nhau. Sách khác với đồ ăn khác với quần áo. Người bán sách lâu năm và tâm huyết đôi khi người ta quên đi cái việc bán mà chỉ còn cái việc gần gần như chuyển giao tri thức. Sách tốt thì giao cho người xứng đáng. Nếu bác ấy nghĩ vậy thì tốt quá, cơ mà mình đã kịp đảo qua 1 lượt, sách hiệu này chủ yếu là sách giáo trình. Đã là giáo trình thì đối tượng chủ yếu là sinh viên chứ ai. Và mình cũng tự tin là không có lí do gì mà mình không đọc được. Vậy là cái suy nghĩ loại trừ khách hàng theo kiểu không chuyên môn thì không hiểu, không hiểu thì không lấy của người bán hàng đã làm mất đi 1 khách hàng rất ngu ngơ trung thành và màu mỡ. Mất mình thì sẽ mất cơ hội có được những khách hàng khác và cứ thế cứ thế cứ thế...


Thứ Ba, 22 tháng 9, 2015

Gác bút tòng nhung

Là thành ngữ Hán Việt. Bút tượng trưng cho văn nhân, nhung là thứ vải may quân phục rất tốt và ấm. Câu ấy ý chỉ khi nước có biến thì kẻ thư sinh cũng tạm thời từ bỏ nghiên bút mà lên đường tòng quân.
Hi hi. Viết thế thui. Khoe cái bút được tặng là chính. Bút mực học sinh, đứa bạn hì hụi đi nhờ người khắc tên chính chủ lên đó rùi mới trao cho mình. Thích.

Thứ Ba, 15 tháng 9, 2015

Tháng 9

Nằm xem "Kí ức Việt Nam", nghe lão nghệ sĩ saxophone một cách quằn quại bản tình ca Hà Nội mà gã nhớ quá. Giữa trời se lạnh này càng nhớ. Hà Nội hồn nhiên, Hà Nội trầm mặc mong manh trong heo may. Chết tiệt. Gã ghét cái cảm giác này. Rất ghét.

Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2015

Ngắm trăng và lảm nhảm

Nghệ thuật là ánh trăng lừa dối
...

Hôm ấy rằm tháng 7,  3 đứa con gái hẹn hò nhau đi uống nước ngắm trăng. Một đứa ngày trước học công nghệ thông tin Bách Khoa, hiện tại làm trợ lí kiêm biên - phiên dịch viên tiếng Hoa cho công ti Trung Quốc. Một đứa kĩ sư công trình thủy Hàng Hải, đã qua đủ nghề, giờ làm PG cho gian hàng đồ điện tử tại siêu thị. Đứa còn lại là mình - kĩ sư hóa vàng, đang chuẩn bị đi bán báo vỉa hè. Tự dưng ngẫm thấy buồn cười, ngày xưa đi học bao ước mơ bao hoài bão cống hiến này nọ. Đến lúc ra trường vẫn còn cơn mơ tốt nghiệp ngành này, đại học này thì phải làm cái này cái kia. Nhưng rùi vì mưu sinh mà con người ta cũng nên suy nghĩ thoáng dần. Mình thấy làm gì chả được miễn là không thẹn với lương tâm. Người ta không nhận mình vào làm thì tự làm cho mình vậy cũng chả đói mà còn tự do. Nên suy cho cùng cái vấn đề gì mà trăm ngàn cử nhân thạc sĩ thất nghiệp mình nghĩ cứ lạ lạ, ở họ cả thôi mà. Nhưng bỏ đi, mình không bàn thế sự.
Nhiều người tiếc cho tụi mình công sức đi học. Tiếc cho cái bằng của tụi mình xếp xó. Cái này mình thấy không hẳn. Mình được đi học đó là một điều vô cùng tuyệt vời vì quan trọng nhất là mình được mở mang tầm nhìn, khai thông trí tuệ, giao lưu xã hội, rèn luyện tư duy, khả năng thích nghi. Kiến thức chỉ là một phần trong đó thôi. Tất cả chúng giờ nằm trong con người chúng ta, thành khí chất của ta rồi. Vì vậy đừng tiếc công học. Các bậc phụ huynh đừng vì thấy thế hệ chúng tôi thất nghiệp và trái ngành mà lung lay cái quyết tâm cho con đi học nha.
Nhảm quá. Quay trở lại 3 đứa mình, đang nằm phơi mình chân vắt vẻo trên thành lan can ngắm trăng. Chả ai nói với ai câu gì. Mình quay sang ngắm đứa PG, đúng là PG có khác, gọn gàng xinh xắn, thêm chút son phấn càng ngọt ngào. Mình bảo dạo này mày đẹp đấy. Con bé vuốt vuốt mấy sợi tóc vàng gợn gợn trên trán rùi đáp lại bằng cái giọng rất tưng tửng "Nghệ thuật là ánh trăng lừa dối" (Nam Cao).
Khả năng đêm rằm tới mình phải mang câu này ra ngẫm lại. Thế gian này có biết bao nhiêu thứ gọi là... nghệ - thuật.

Thứ Năm, 10 tháng 9, 2015

Bụi...

Sáng hôm nào đó trời vương chút lạnh, mưa bụi bay, lá vàng rơi xào xạc.
Hình như ngày nghỉ. Đường vắng teo. Cảm giác như mỗi mình lang thang ngoài phố.
Đi ngang. Đi dọc. Loay hoay. Tiến và lui. Nhìn ngơ ngác. Cái cảm giác mông lung, lạc lõng như rớt vào một thế giới quen lắm mà không nhận ra...
Chới với.
...
Ờ.
Thì ra ta đã lỡ quên đi tự lúc nào rồi...
...
Kỉ niệm nào rộng khắp mênh mông?
Để nỗi nhớ cứ bềnh bồng ngơ ngác
Anh đi tìm em giữa trời rệu rạc
Giữa một đời ngột ngạt...
Vết đau thương.
.
.
Sao em mãi miên man màu rêu cũ?
(thơ Người bán hoa cúc dại)


Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2015

Vui tí thui mà

Dạo này mình rảnh.
Nên mình viết nhiều.
Viết xong lại thấy mình rảnh quá.
Hê hê.
Quên. Chưa chào Quốc Khánh ạ. Cháu đi học để hưởng ứng đây ạ :D

P/S: Ngày xưa xưa lắm mình có cái bàn học 1 ngăn. Bố bảo bé thì chỉ dùng bằng ấy là đủ. Mình bày đủ thứ. Sách vở thì ít chứ những thứ ngụy trang sách vở thì vô kể, cả đồ chơi nữa. Ha ha. Mình nhét vải vóc rùi màu rùi đất dao kéo kim chỉ búp bê voi lợn bóng đèn dây điện hầm bà là đầy ngăn bàn. Bố hỏi thế mày học ở đâu? Chả lẽ mình lại bảo bố là làm gì có gì để học? Mình chỉ lên giường vứt chi chít đồ chơi chiếm nửa cái giường bảo con học trên ấy.
Hôm sau, bố lấy bản lề nối to cái mặt bàn của mình ra. Rùi được vài hôm, mình lại thấy nó không đủ.
Chị mình học xong, cho mình thêm cái bàn. Rồi sự việc cứ êm đẹp được vài hôm là lại đâu vào đấy.
Bố bảo tao nghĩ mày phải ngồi cái bàn 6 ngăn. Nói thế thôi chớ bố mặc kệ mình rồi =)).
Sau mình lên Hà Nội học. Mới về thăm nhà lần đầu đã thấy em bàn 1 ngăn của mình được cưa chân ngắn xuống rùi gắn thêm cái đầu máy vắt xổ cho chị gái. Cái bàn của chị cho mình thì mục chân nên giải tán nó luôn (Ôi đồ chơi của tôi, các tác phẩm nghệ thuật của tôi). Thế là hết chỗ để ngồi.
Tính ra đến giờ cũng 7 năm rùi mình mới ở nhà. Nhanh thiệt. Mình về mình biển thủ ngay của bố cái bàn dự phòng mang làm của riêng. Lâu lắm. Thấy nhớ cái cảm giác ngồi tại góc là của riêng mình. Ánh đèn, sách vở, giấy bút. Cơ mà chả có thứ gì để bày nữa rùi.

Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2015

Nhảm cuối ngày

Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông
.
.
.
Khà khà. Cứ hiểu nguệch ngoạc là đã lỡ mang tiếng rùi thì làm thật đi cho có miếng. Cố lên nào :D
Đừng nghĩ nữa và làm đi!!!

P/S: tự dưng tìm thấy cái hình hồi trẻ nên khoe tí ế :))

Thứ Năm, 13 tháng 8, 2015

Chuyện thứ 3: Nhà đại thể

Là cái nhà to, ngói đỏ, sơn trắng nằm một mình một chỗ. Rất đẹp.
Một chiều gió mát, chút mưa bụi bay bay, mình lãng đãng dọc con đường sau nhà xe, vỉa hè trồng đầy cỏ hoa vàng, nhìn qua song sắt là đường lớn, bãi bồi, con sông chảy dài theo những dãy núi. Quả là thơ mộng vô cùng.
Sử dụng kháng sinh khiến hầu hết bệnh nhân lâu ngày không đi đại tiện, mình cũng chẳng ngoại lệ. Vậy mà chẳng rõ hiện giờ do tinh thần thư thái nhẹ nhõm hay cái bụng không chứa nổi nữa mà giữa cảnh non nước hữu tình này mình tự dưng nổi hứng muốn đi. Mà đi toilet ở đây là vấn đề không nhỏ.
Mình tia ngay thấy cái chữ WC ở ngôi nhà màu trắng không xa. Rất tuyệt vời, cửa không bị khóa (bệnh viện này nhân viên toàn khóa cửa WC để hạn chế dùng chung với bệnh nhân). Mình kiểm tra chốt cửa, bộ phận xả nước, bóng điện đều ok, thế là yên tâm.
Biết có chỗ đi vệ sinh thoải mái, mình thích thú khoái chí như phát minh ra cái gì to lớn lắm. Mình đi dạo quanh ngắm nghía cái công trình lớn ấy.
NHÀ ĐẠI THỂ
Mình đoán tên ấy chắc nghĩa là nhà sinh hoạt tập thể, văn nghệ, giao lưu, họp hành gì đó. Ờ, phù hợp lắm, rộng, sảnh lớn, cột nhà to, kiến trúc gần giống đình chùa, sơn trắng lãng mạn. Cửa gỗ cao đóng kín nên mình chả nhìn thấy gì bên trong, cứ quẩn quanh thơ thẩn hóng gió, khều khều mấy bông hoa, miệng không khép lại nổi vì chưa vơi đi niềm vui với cái phát hiện vĩ đại.
Bụng dạ thanh sạch, tối mình ngủ rõ ngon. Sáng hôm sau, cô Chiến kể với mình đêm qua bệnh viện chắc có người chết, giờ đang làm lễ ở nhà xác, đợi đưa về. Mình hỏi cô nhà xác ở đâu. Cô chỉ mình ra ngôi nhà màu trắng, ngói đỏ. Mình vừa ngủ dậy. Mặt mình đần ra.
P/S: Phòng bên có một chú tốt lắm, chú hay hỏi chuyện mình, hay nói cười, cho mình dùng ké nhà tắm, dặn mình phải tích trữ nước kẻo mất nước đột ngột. Một sáng chú ho liên tục không dừng, máu chảy nhiều qua đường truyền tĩnh mạch ở tay. Chiều hôm ấy vẫn thấy chú ho. Sáng hôm sau mình hóng không thấy nữa, nhìn ra nhà đại thể thấy đông người. Thì ra con người mong manh thật.

Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2015

Đi bệnh viện

Rảnh kể chút chuyện chơi.

Chuyện thứ 1: Cô chiến.


Dáng cao gầy, nước da trắng hồng sống mũi cao, mắt sáng. Gương mặt rất thông minh. Mình thích cô lắm.
Bệnh của cô là phải uống thật nhiều nước, càng nhiều càng tốt. Uống nhiều đi nhiều mà phòng mình lại không có nhà vệ sinh. Điều tất yếu xảy ra là phải đi nhờ hàng xóm.
Cái kiểu đi nhờ lại đâm sinh lo, lo đêm nay biết nhờ ở đâu, lo người ta đóng cửa, lo người ta thức giấc... thành ra vừa xử lí xong, về giường nằm đã lại thấy muốn đi tiếp.
Đêm đầu tiên ở viện cô không ngủ được.
Đêm thứ 2 nhà hàng xóm khóa cửa luôn, cô sắm cái bô để ngay sau nhà. Ấy vậy mà vẫn không ngủ được chỉ vì canh cánh nỗi lo chẳng may ngủ say quá...quên dậy đi tiểu. Hễ nằm xuống là đã thấy hình như mình buồn tiểu. Sau nhà là khoảng không ngăn cách với khoa truyền nhiễm và tâm thần. Rất đẹp và rất rộng. Cô thì sợ ma...
Giai đoạn ấy cuối cùng cũng qua, cô được xuất viện. Cũng may chỉ có 3 ngày, chớ ở viện lâu hơn khả năng bệnh nặng thêm chỉ bởi những muộn phiền.
Cô Chiến về, mình thấy phòng buồn hẳn. Chả ai nói chuyện cho nghe mình đâm ra nhàn rỗi. Mình rảnh mình nghĩ tới cô mình nằm ôm bụng cười. Không biết có phải vì thế mà trời xui đất khiến làm sao 2 ngày sau cô quay lại viện.
Mình chột dạ, thon thót, thấy mình đầy tội lỗi. Cô hổn hển bảo lần này cô bị viêm phế quản, không thở được. Thương cô lắm nhưng mình không nhịn được cười. Thấy mình cũng vô duyên, mình cười mà không biết cười cái gì =))
Ba ngày sau, cô lại được xuất viện. Hai cô cháu chia tay, cô bảo không muốn gặp lại mình nữa. Cô phũ phàng với mình quá !!!


Chuyện thứ 2: Bà mẹ 16 tuổi.


Em nhập viện sau mình 1 ngày. Sốt rét. Chả có gì đặc biệt.
Em nhỏ bé, bộ đồ cũ kỹ, nhàu bẩn, đôi dép rách, gương mặt ngơ ngác đặc trưng của những đứa bé dân tộc thiểu số. Không có gì ấn tượng.
Cô Chiến ới mình, bảo mình liếc nhìn em. Mình nhìn, nhìn lên nhìn xuống, nhìn vòng qua vòng lại... chả thấy có chút hứng thú. Em giống như cái gì không nóng không lạnh cứ nhàn nhạt mềm mềm nguội nguội.
Cô Chiến cười bảo mình kém cỏi. Mình chìa cái mặt cũng ngơ ngác như em ấy ra nhìn cô. Rùi nó hết ngơ ngác ngay khi mình nhìn lại cái thân hình bé nhỏ của em. Em có bầu. Thế ra không phải sốt rét  làm chướng bụng.
Em nói bé. Mình thì điếc. Mình phải cố gắng mới nghe rõ. Em bảo năm nay em 18 tuổi. Mình chả tin. Mình hỏi lại em sinh năm bao nhiêu. Em bảo 99. Em có bầu 7 tháng rồi.
Thằng vừa nãy đưa em vào viện là chồng em, nãy mình lại tưởng anh trai. Thằng chồng bảnh chọe, tóc dựng ngược, chân tay sạch sẽ, quần áo còn nguyên mép li, đôi dép chắc vừa mới rời khỏi vỏ. Hành tung bí ẩn, vợ nó ốm mà nó cứ như có công tác mật.
Mỗi sáng nhận thuốc, em không kí tên mà điểm chỉ. Thấy mình đọc sách em hỏi mình học hết lớp mấy rồi. Mình bảo mình học ngu quá học mãi đến giờ vẫn chả hết lớp mấy. Em cười bảo em thì học hết lớp 5, chữ viết không dùng nên quên hết rồi.
Cứ đến chiều là em lại sốt. Sốt tái mặt sốt run người. Mấy ngày đầu em chỉ trùm chăn chịu rét chả nói với ai, thằng chồng em vẫn thường xuyên đi làm công tác mật. Cô Chiến với mình thay phiên nhau làm người nhà cho em. Mình muốn tẩn thằng chồng em quá.
Chả có ai đến thăm em. Về sau mình mới biết mẹ em mất sớm, bố lấy vợ nữa. Em cưới thằng chồng mà trước đó chưa từng biết mặt. Mình để ý thằng chồng nhìn cũng sáng sủa, tên tiếng Kinh, học hết 11 chắc gia đình cũng có chút tiến bộ hơn mà sao cư xử kém quá, không rõ họ cưới em về làm gì nữa.
Em vẫn đều đặn lên cơn sốt. Thằng chồng đi công tác 2 ngày. Mình muốn đánh bom cả nhà nó.
Mọi người lần lượt ra viện. Em vẫn ở lại với mình, vẫn không giảm sốt. Bác sĩ không cho em uống thuốc nhiều vì còn phải chăm sóc cả đứa bé nữa. Rồi bác sĩ hỏi han em nhiều hơn, y tá đo nhiệt và lấy máu em nhiều hơn. Và rồi em được đưa sang khoa truyền nhiễm. Mình không biết giờ em thế nào.


Chủ Nhật, 2 tháng 8, 2015

Ừ được

Có một thời ta thích những cơn mưa
Cái thuở ngày xưa xa lơ xa lắc
Thuở ấy bên ta em thường nhắc
Tớ thích mưa... ấy có thích không?
.
Cơ mà hôm nay và ngày mai nữa, chả thích mưa chút nào. Ông Trời! Tạnh hộ tí đi =))

Thứ Tư, 8 tháng 7, 2015

Về đi con

Ăn chưa con?
Tiếc nuối gì những bữa cơm phải tự mình ngược đãi
Mà phải ăn vội ăn vàng,
Lề đường, hàng quán
Bát cơm chan nước mắt
Về nhà đi, mẹ nấu cơm rồi
Ngủ được không con
Trong cái chỗ người ta ví von, người ta lao vào bàn tán
Hay ho gì những anh hùng hảo hán
Chỉ đánh máy trên bàn phím thôi
Nào biết thực tế là gì
Về chưa con
Tiếc nuối chi những phồn hoa đô thị
Với những khôn lỏi, đơn đau và dị nghị
Về đi
Mẹ nuôi mà














Sao con vẫn chưa về?
Quê mình cũng có núi non, cũng có con người, phố phường và xe cộ
Cớ chi con cứ phải tranh với người ta
Rồi đi mãi
Xa nhà
Về đi
Về nghe mẹ dạy những lễ nghi, những thói quen thường nhật
Về nghe khôn, ngoan, chân, thật
Về cùng mẹ nghe con
Đi xa, mẹ nhớ lắm con à..

Về Đi Con - Rei

Thứ Ba, 30 tháng 6, 2015

Bụi quá (phủi phủi)
Mình vẫn nhớ có lần nghe nhà thơ NPV tâm sự rằng hầu hết tác phẩm của ông đều được viết về khuya. Mình thức đến giờ này rùi mà sao chưa vắt được giọt chữ nào để gọi là mở đầu tác phẩm nhể :))
Chào cái chốn xưa này, chào một thời đã qua này, chào cái gã dở hơi của ngày hôm nao, chào và chào...
Làm thế quái nào để gã được chút gì giống giống với gã ngày trước đây? Gã tự thấy ngán chính gã lắm rồi.
Để xem nào. Có câu là "Hãy chết trước khi ra trận". Cứ thế đi. Cứ đi rồi sẽ đến. Thánh nhân còn sợ chi bụi trần ha ha.


Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2015

Bụi

Gã mò lên mạng.
Google tìm kiếm:
Chán đời
Chán sống
Mặc kệ đời
Tự sát
Muốn chết
Chết thế nào để người thân bớt đau buồn
Phải sống
Gã thấy mình thật hèn nhát...